Từ xa xưa " rung cây nhát khỉ " đã được áp dụng trong binh pháp để không hao binh tổn tướng mà vẫn giành thắng lợi lớn. Ngày nay " rung cây nhát khỉ " thường được sử dụng như một diệu kế trong kinh doanh để chiếm lĩnh thị trường giành ưu thế về mình. Đặc biệt thị trường bất động sản thường sử dụng kế sách này. Nhưng nếu sử dụng không tốt hay dẫn đến sai phạm về phạm trù đạo đức. 

Nhưng trong kinh doanh muốn tồn tại và phát triển muốn có được ưu thế cạnh tranh bạn vẫn luôn phải dùng đến nó. Vì bạn đã tham gia vào trò chơi kinh doanh mà bất kì cuộc chơi nào cũng có những nguyên tắc của cuộc chơi và ai chơi giỏi người đó sẽ là người chiến thắng. Bạn không chấp nhận bạn sẽ bị đuổi ra khỏi cuộc chơi. Nhưng bạn đừng nên coi thường đạo lý. Và lao vào cuộc chơi với "sát khí đằng đằng " để sát phạt nhau. Chấp nhận quy luật cuộc chơi nhưng đừng đánh mất nhân cách của mình.

Và Út Đần tôi cũng có lần phải sử dụng kế sách này.

Khi bác kế sát nhà thấy Út bán phở đắt hàng bác đã dụ chị nhân viên của Út nghỉ việc qua làm cho bác để bác mở quán bán Phở vì bác tin rằng chị này làm cho Út lâu rồi sẽ biết được nhiều bí quyết nấu Phở. Nếu chịu qua làm cho bác, bác sẽ trả lương cao hơn Út trả và cho chị quản lý quán luôn. Nhưng bác đã lầm! Và Út thì cũng không muốn giữ những nhân viên không trung thành. Và họ mở quán Phở chặn ngay mặt tiền còn Út bán trong hẻm. Nhưng Út vẫn không ngại vì Út tự tin ở bản thân mình với kinh nghiệm về món Phở của mình. Và đúng như Út dự đoán họ không có khách. Thế là bác giận chị nhân viên cũ của Út bác hạ mức lương thấp hơn Út đã trả cho chị trước đây rất nhiều. Đến lượt chị giận bác chị quay lại tâm sự với Út ( những mong có thể quay trở về vị trí cũ ) chị nói rằng bác thuê người chuẩn bị chuyển qua bán bún bò.

Vậy là Út Đần phải cạnh tranh với bác nữa rồi! Trong kinh doanh thì "buôn có bạn, bán có phường" là một điều tốt chứ không phải họ cứ mở ra cạnh mình là sợ họ giành hết khách của mình. Chính điều phải cạnh tranh lành mạnh và đấu trí trong kinh doanh mới thúc đẩy sự phát triển được. Nhưng cạnh tranh bằng cách nào đó hãy để cho đối thủ song song phát triển với mình, mình cũng có lợi nhưng đừng bao giờ để đối thủ phát triển hơn mình, đó mới là luật chơi của kinh doanh.

Và khi nghe thông tin tháng tới bác sẽ bỏ Phở bán bún bò. Út Đần tôi bèn cho treo bảng ngay trước cửa : " BÚN BÒ 20K". Trong khi Út đang bán giá phở cao hơn rất nhiều. Mọi người bảo Út tôi " tham ". Vì bán phở giá cao hơn còn không muốn sao lại ôm bún bò giá thấp hơn chi cho cực! Nhưng Út phải nghĩ khác, vì muốn tồn tại và phát triển phải cạnh tranh bằng cái đầu của mình . Đã kinh doanh thì phải biết bảo vệ cơ nghiệp của mình. Vì đó còn là thanh danh và cũng là để chứng minh kinh nghiệm luôn chiếm ưu thế trong các cuộc cạnh tranh cho dù kinh doanh lớn hay nhỏ. Út bán bún bò chỉ thấp bằng 1/2 giá phở của Ut đang bán. Và đúng như Út dự đoán sau này khi bác đổi từ Phở sang bún bò bác cũng chỉ dám trưng cái bảng " BÚN BÒ GIÒ HEO 20K ". Vì bác sợ bán giá cao hơn khách hàng chạy qua Út cả thì sao? Nhưng Út biết với giá này làm sao bác có thể nấu được ngon xuất sắc chứ? Mà đã không nấu được xuất sắc thì bác không thể qua mặt Phở của Út được rồi. Và Út bỏ xa bác về cuộc chiến giá cả. Và khi thấy bác bán yên vị với giá đó thì Út cất bảng đi không bán bún bò nữa vì thực ra Út chỉ bán "chơi " rất ít thôi chứ có chủ định bán bún bò đâu. Kế " rung cây nhát khỉ " đã có tác dụng với người chưa có kinh nghiêm như bác mặc dù bác cũng nhiều mưu kế. Bây giờ sau 8 năm rồi mặc dù Út chưa hề thay bảng giá nhưng bác thì đã tăng giá 4 lần mà tô bún bò đặc biệt của bác mới chỉ dám tăng bằng tô Phở nhỏ của Út. Và hôm nay bác đưa ra lời đề nghị : 

- Chúng ta bán cạnh nhau, hay là chúng ta cùng tăng giá một chút đi nguyên liệu mua vào tăng quá mà tôi thấy 8 năm rồi chị chưa thay bảng giá. Vậy đâu có lời như xưa nữa?

- Ồ, không. Nếu Bác cảm thấy cần tăng giá cho có lời hơn bác cứ việc tăng vì giá của bác đang thấp hơn tôi mà. Còn tôi nghĩ đây là nhà mình. Mình kinh doanh lâu rồi mình đã khấu hao hết tiền đầu tư lâu rồi thì khách hàng sẽ là người được hưởng lợi . Tôi không cần phải tăng giá ngay bây giờ. Và tôi còn đang muốn trở thành người bán phở giữ giá lâu nhất Việt Nam cơ đấy.

Bác cười bảo tôi " Chị khùng quá! ". Chị không tăng giá thì sao tui tăng cho được chứ?

Út bảo:

- Sao không tăng được? Tôi có bắt bác bán giá thấp hơn tui đâu, tăng hay không là do bác chứ sao lại phụ thuộc tôi? 

Tôi cười và bác cũng cười nhưng tui biết bác không vui khi cười . Nhưng trong cuộc chơi này tôi không thể làm cho bác hàng xóm vui được. Bác và tôi một người nhiều mưu kế và một người khùng vẫn phải vui vẻ chấp nhận cuộc chơi. Không biết Út có khùng không nhưng Út hiểu còn kinh doanh thì còn phải đấu trí. Và cuộc chơi giữa Phở và Bún Bò vẫn diễn ra vui vẻ hàng ngày.

Nếu không muốn trả giá đắt trong công cuộc kinh doanh của mình, bạn hãy nghiền ngẫm ra những kế sách hay và đừng bao giờ đi qua gianh giới của phạm trù đạo đức nhé.