(Sai lầm dẫn đến thất bại trong đào tạo nội bộ #4)

- Vì sao tôi đã đào tạo việc này rồi mà nhân viên không nhớ nhỉ?
- Tại sao việc đơn giản thế cứ phải để nói mãi?

Không ít lần tôi nhận được những thắc mắc của các chủ doanh nghiệp về trí nhớ và khả năng thực hành của nhân viên họ. Thực ra để giải thích điều này chúng ta cần tìm hiểu về trí nhớ.

[​IMG] ​

Có 2 loại trí nhớ: ngắn hạn và dài hạn. Bạn dạy nhân viên điều gì xong, nếu họ hiểu, họ có thể ghi nhớ ngay, đó là trí nhớ ngắn hạn.
Còn trí nhớ dài hạn dùng để họ lưu trữ thông tin thời gian dài. Muốn nhân viên thực hành được những gì bạn hướng dẫn, có thể chỉ cần trí nhớ ngắn hạn. Nhưng muốn họ duy trì làm điều đó thường xuyên ở doanh nghiệp, cần đánh thức trí nhớ dài hạn.

Thế nhưng, sai lầm dẫn đến thất bại trong đào tạo nội bộ của nhiều công ty là đào tạo một nội dung duy nhất một lần rồi thôi. Càng ngày tốc độ quên của một con người càng nhanh vì não bộ càng ngày càng quá tải thông tin. Vì thế để giúp nhân viên nhớ được lâu, bạn phải đánh thức trí nhớ dài hạn bằng cách nhắc đi nhắc lại.

Hermann Ebbinghaus – một nhà khoa học người Đức đã miêu tả “biểu đồ trí quên” như hình. Bạn có thể thấy rõ khi có sự lặp lại (repetition) thì trí nhớ được cải thiện rõ rệt.

Điều gì ngăn cản các doanh nghiệp đào tạo liên tục và lặp lại cho nhân viên của mình?
• Do tôi chưa biết nên tôi chưa làm. Vậy mong rằng sau bài viết này bạn bắt tay vào thực hiện nhé.

• Do không có chi phí. Nhưng hãy nhớ rằng không bỏ chi phí đào tạo thường xuyên và lặp lại thì bạn lãng phí luôn cả buổi đào tạo đầu tiên của vấn đề, vì đằng nào nhân viên chả…quên! Mà bạn biết tầm quan trọng của đào tạo rồi đấy!

• Do tôi đã nói hết trong lần đầu tiên rồi, lần sau chẳng nhẽ nói y nguyên? À không phải vậy đâu bạn. Hiểu đúng về sự lặp lại phải thế này: Hãy tìm ra khía cạnh mới mẻ để chia sẻ, nhưng kiến thức cốt lõi vẫn như vậy. Nếu như bạn lặp lại y chang, thậm chí bạn còn làm não bộ của nhân viên trở nên lười biếng. Ví dụ khi tôi đào tạo về kỹ năng xử lý tình huống khách hàng than phiền ở một công ty nọ, tháng đầu tiên chúng tôi học lý thuyết chung kèm thực hành. Tháng thứ hai chúng tôi yêu cầu từng bạn nhân viên chia sẻ đã áp dụng được gì và cùng phân tích. Sau một hai tháng đào tạo nội dung khác, đến tháng thứ 5 lại quay lại việc xử lý tình huống khách hàng than phiền bằng một câu chuyện mới. Lần này không phải giảng viên trình bày lý thuyết nữa, mà chia nhóm để học viên tự thuyết trình. Chính vì thế trước khi tổ chức các chương trình đào tạo nội bộ cho các công ty, chúng tôi cũng phải brainstorming và lên kế hoạch đầy đủ về mặt content sao cho lặp lại mà vẫn mới mẻ.

Xuân Diệu có viết “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt”. Thế nhưng trong đào tạo thương hiệu và kỹ năng cho nội bộ, để trí nhớ dài hạn không ngủ quên, bạn phải duy trì ngọn lửa kiến thức và lòng nhiệt huyết lâu bền.